“Đọc sách rất tốt.”
“Tất cả chúng ta ai cũng nên có thói quen đọc sách.”
“Không phải ai đọc sách cũng thành công, nhưng hầu hết người thành công đều có thói quen đọc sách.”
Ai cũng biết như vậy, nhưng không phải ai cũng có sẵn sở thích này, hoặc có khả năng tự rèn cho mình thói quen đọc sách thường xuyên. Đó là chưa kể những người có thói quen đọc sách cũng có thể, vì lý do nào đó, mà bỏ quên thói quen này (như mình) trong khoảng thời gian khá dài.
Mình vốn là đứa thích đọc và thích viết, thế mà gần 2 năm qua mình gần như không viết được gì, và cũng không đọc bao nhiêu. Lý do chính là có quá nhiều thứ khiến mình mất tập trung vào những điều quan trọng, hoặc một áp lực nào đó khiến mình bị tắc nghẽn bên trong. Mỗi khi cầm một cuốn sách lên, mình có cảm tưởng phải ép bản thân làm điều gì khó chịu lắm. Mình đọc không vô, và viết cũng không ra!
Từ khoảng 2 tháng nay mình bắt đều ép bản thân quay lại thói quen đọc bằng cách chọn một quyển tiểu thuyết thay vì sách chuyên môn. Bạn biết đấy, tâm lý con người vốn rất ưa các câu chuyện, thế nên một quyển tiểu thuyết chất lượng là khởi động tuyệt vời. Kết quả là không có gì đáng ngạc nhiên khi mình đọc xong quyển truyện gần 500 trang của Dương Thuỵ trong vòng 3 ngày. Tốc độ này cũng còn là chậm so với ngày xưa – khi mình có thể “nuốt trọn” một quyển tiểu thuyết có độ dài tương tự chỉ trong ngày Chủ nhật!
Sau khi hoàn thành 2 quyển và bắt tay vào quyển thứ ba, niềm hứng thú vào sách của mình đã chính thức quay lại, thậm chí nhiều hơn trước. Mình còn phát hiện ra tốc độ và chất lượng đọc của mình cải thiện đáng kể chỉ bằng một mẹo rất đơn giản mà mình đã biết từ lâu nhưng không áp dụng. Và bài viết này ra đời, như một cách đánh dấu cột mốc tiến bộ mới của bản thân, cũng như mong muốn những chia sẻ này có thể hữu ích cho ai đó đang cần.
ĐỌC SÁCH SAO CHO NHANH?
Không khó để trả lời câu hỏi này. Bạn chỉ lên Google và tìm bằng từ khoá “cách đọc sách nhanh” là ra hàng đống thông tin. Mẹo đọc sách nhanh của mình chỉ đơn giản là dùng một ngón di theo đường Zíc Zắc. Chỉ bằng cách này, mình có thể đọc gần 50 trang (25 tờ) trong vòng 1 tiếng đồng hồ, bao gồm cả thời gian đánh dấu và ghi chú các thông tin quan trọng. Hiện mình khá hài lòng với tốc độ này nên cũng chưa có ý định tham khảo thêm các tuyệt chiêu đọc nhanh khác.
Cùng với việc dùng một ngón tay (trò hoặc giữa) để đẩy nhanh tốc độ ở những phần dễ thì mình cũng giảm tốc độ lại khi đọc đến những phần hơi khó hoặc cần dừng lại một chút để suy ngẫm. Ngoài ra, mình ý thức tập trung và loại bỏ hết mức các yếu tố gây xao nhãng trong quá trình đọc. Hẳn là bạn không thể nào đọc nhanh được khi cứ nhắm nháp dăm ba đoạn rồi với tay lấy điện thoại chat chít với người yêu.
CHỌN LỌC VÀ GHI CHÚ THÔNG TIN
Có 2 thứ luôn bên cạnh khi mình đọc sách là một cây bút bi và một cây bút highlight. Bút bi dùng để ghi chú thông tin ở các trang trống cuối sách, và ghi cả số trang đối với những trang quan trọng. Bút hightlight thì dùng để đánh dấu những ý hay. Việc ghi chú nhiều như vậy ngay trong sách giúp mình tra cứu lại rất dễ dàng sau này. Hoặc nếu cần đọc lại lần hai, mình chỉ lật lướt qua các điểm đã đánh dấu là nắm được. Bạn đoán đúng rồi đó. Mình bôi đầy trong sách!
Không ai có thể phủ nhận rằng đọc sách nhiều cũng không để làm gì nếu ta chẳng nhớ gì sau khi đọc, hoặc là nhớ quá ít, hoặc có nhớ nhưng không áp dụng được mấy vào thực tế. Trước đây mình cũng từng như vậy. Có bao giờ bạn nhìn thấy một quyển sách, bạn nhớ đã đọc nó rồi nhưng lại chẳng có ý niệm mấy về nội dung? Bạn tự tin nói rằng quyển này quyển kia mình đọc rồi nhưng thực tế không còn bao nhiêu thứ đọng lại sau dăm ba năm. Việc đọc một quyển sách chỉ thật sự đáng giá khi bạn trải qua đủ cả 3 tiến trình Học – Hiểu – Hành (hay còn gọi là Văn – Tư – Tu). Đọc nhiều mà không hiểu sâu, cũng không áp dụng được còn tệ hơn không đọc, vì tâm lý “tôi biết rồi” chỉ nuôi dưỡng cái tôi lớn lên, khiến bạn càng bảo thủ và ngạo mạn hơn.
VIẾT REVIEW SÁCH – ĐÚC KẾT VÀ RÈN KỸ NĂNG VIẾT
Đôi lúc mình viết bài review một quyển sách sau khi đọc xong, đặc biệt với những quyển mình tâm đắc. Thường thì việc review này dành cho các bạn thích viết lách, nhưng mình nghĩ nó có thể dành cho tất cả mọi người. Đây chỉ là một cách đúc kết lại những gì bạn học được từ quyển sách. Bạn tâm đắc điều gì, chưa thích điều gì trong quyển sách đó? Cảm xúc đọng lại sau khi bạn đọc nó? Hãy viết đi, sau này đọc lại bạn sẽ nhận ra nhiều điều thú vị. Đặc biệt, với những quyển mang lại cảm xúc mạnh mẽ trong bạn thì càng cần được viết lại. Bạn biết không, viết cũng là một phương pháp chữa lành rất hay.
VÌ SAO NÊN ĐỌC SÁCH?
Đọc sách giúp chúng ta gia tăng kiến thức và kỹ năng. Điều này không có gì đáng bàn cãi. Tuy nhiên, tôi lại tâm đắc với 2 lợi ích sau hơn:
Thứ nhất, việc đọc nhiều sách khác nhau, đặc biệt là sách vĩ nhân hay tiểu thuyết (lành mạnh) sẽ giúp bạn có thêm nhiều trải nghiệm đa dạng, nhiều chiêm nghiệm sâu sắc. Trong 70-80 năm cuộc đời, chúng ta phần nào bị giới hạn trong những trải nghiệm của riêng mình. Việc đọc sách giúp bạn trải nghiệm thêm nhiều cuộc đời khác nhau, thông qua các câu chuyện trong sách. Điều này cũng tương tự như việc một diễn viên kịch hoặc phim ảnh được sống với nhiều cuộc đời khác nhau – qua các vai diễn của họ. Nếu không thể trở thành diễn viên thì bạn có thể đọc sách hoặc xem phim. Thế giới bao la rộng lớn với muôn vàn màu sắc sẽ mở ra trước mắt bạn, đầy những điều thú vị hay ho!
Thứ hai, thông qua những quyển sách tinh hoa, bạn sẽ có cảm giác như mình được gặp gỡ và trò chuyện với tác giả – những vĩ nhân đã mất hoặc những người tài giỏi còn đang sống – thuộc các lĩnh vực bạn quan tâm. Dàn mentor xịn sò là từ đây mà ra chứ đâu, nếu tạm thời bạn chưa tìm được mentor bằng da bằng thịt. Bạn tự do chọn mentor mà mình muốn – toàn những người tài giỏi nhất, và với cái giá quá hời!
KHÔNG BIẾT BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?
Nếu dạo quanh một hiệu sách, đường sách hay hội sách, bạn sẽ bị choáng ngộp với hàng trăm ngàn đầu sách đủ mọi thể loại. Nếu đọc mỗi tuần một quyển (tốc độ này thì kinh rồi!) thì có đọc đến hết đời bạn cũng không thể nào tiêu thụ hết lượng sách được viết bằng tiếng Việt, chứ nói chi là sách nước ngoài. Đọc sách nhiều là tốt, nhưng đừng bao giờ chạy đua số lượng để được cái mác “mọt sách” hay tri thức. Sau bao năm đọc sách sai cách thì nay mình cũng biết nhắc bản thân phải biết chọn lọc lại bằng cách:
. Xây dựng tủ sách tinh hoa cho riêng mình. Chọn từ 5-7 chủ đề bạn quan tâm, và rải đều từ sách kiến thức chuyên môn đến sách giúp phát triển tâm thức theo chiều sâu. Đừng đọc nghiêng lệch quá nhiều về một chủ đề và bỏ quên những chủ đề còn lại. Mục đích của việc này là giúp bạn có sự phát triển cân bằng và đồng đều. Ví dụ như tủ sách của tôi sẽ xoay quanh 5 đề tài chính: Sách phát triển bản thân (giúp luyện các kỹ năng mềm), sách chuyên môn (tuỳ theo nghề nghiệp/con đường sự nghiệp bạn chọn), sách tâm linh và hàm dưỡng tâm hồn, sách vĩ nhân.
. Lựa chọn sách tinh hoa cho từng chủ đề. Mỗi một chủ đề bạn quan tâm – cấu thành tủ sách tinh hoa nêu trên – có rất nhiều sách. Bạn không thể nào đọc hết từng đó sách được. Quá mất thời gian, công sức và cả tiền bạn. Vậy thì trong từng chủ đề, bạn hãy chọn vào quyển hay nhất theo đề xuất của những người uy tín. Mỗi một chủ đề như vậy bạn chỉ cần đọc vài quyển, hoặc thậm chí là 1-2 quyển là đã có thể rút ra được tinh hoa và áp dụng cho chính mình.
. Đừng chỉ đọc, hãy thực hành. Đọc ít lại một chút nhưng hiểu sâu sắc và áp dụng nhuần nhuyễn vào cuộc sống thực tế của mình thì mỗi một quyển sách qua tay bạn sẽ trở nên đáng giá gấp vạn lần. Mình ghi chú chi chít trong sách cũng là nhằm mục đích này. Mình sẽ tranh thủ áp dụng các ý hay ngay trong quá trình đọc, hoặc lâu lâu giở ra tra lại các ý mà mình đánh dấu để áp dụng.
Mong rằng bài viết này sẽ giúp ích cho ai đó. Chúc bạn sớm tìm được nguồn cảm hứng với kho tàng trí tuệ của nhân loại. Mỗi ngày chỉ cần tốt hơn 1% đã là một thành quả đáng tự hào, bạn nhỉ?
—
Ghi chú hình ảnh: Kệ sách nhỏ bé xinh xẻo của mình. Mỗi lần chuyển nhà rất cực nên mình chủ trương chỉ đem theo những quyển chưa đọc, hoặc đọc rồi nhưng thỉnh thoảng cần xem lại.
Chưa có bình luận