“Các bạn không chỉ là con người như các bạn vẫn tưởng. Vậy tôi xin hỏi: Các bạn có thể nhớ ra mình thực sự là ai hay không?”
Nhân vật Opale luôn nói câu này khi bắt đầu màn trình diễn thôi miên hồi quy của mình.
Câu nói trên hẳn là hàm ý: Bạn không chỉ là bạn ngay trong kiếp này. Bạn còn đóng rất nhiều “vai” khác trong các kiếp trước, như thể bạn là một diễn viên gạo cội sống qua nhiều cuộc đời, từ thiện lành tới ác độc, từ nghèo hèn đến giàu sang, thông qua các vai diễn của mình. Nếu tin có luân hồi thì hẳn bạn cũng từng tự hỏi: Mình đã từng là (những) ai, trong các kiếp sống trước?
Tóm tắt cốt truyện: Một giáo viên lịch sử đi xem thôi miên với bạn và được mời lên sân khấu. Trong màn trình diễn thôi miên hồi quy, anh vô tình biết kiếp trước mình là một lính Pháp trong cuộc chiến với quân Đức ở bối cảnh thế chiến 2. Quá bấn loạn khi chứng kiến tình cảnh ngặt nghèo và cái chết đau đớn của chính mình, anh vùng chạy ra khỏi rạp hát. Hàng loạt chuyện diễn ra sau đó buộc anh bước vào một cuộc phiêu lưu đầy kịch tính: Lần lượt khám phá các kiếp sống trước, trốn chạy khỏi sự truy đuổi của cảnh sát và phát hiện sự tồn tại của nền văn minh Atlantis.
–
Một số thông điệp hay được lồng ghép trong sách, ghi lại sau này cần xài:
“Bởi ngay cả lịch sử chính thống được rao giảng trong sách giáo khoa đôi khi cũng bị cắt xén. Chẳng hạn, ta chỉ biết các nền văn minh quá khứ qua những dấu hiệu để lại từ những nền văn minh có chữ viết. Trong số các nền văn minh có chữ viết, ta lại chỉ biết quá khứ các nền văn minh có sử gia. Và trong số các nền văn minh có sử gia, ta lại chỉ biết phiên bản lịch sử của bên thắng cuộc.”
“Nhưng chúng ta đừng để mình bị lừa, chiến tranh chẳng qua chỉ là những cuộc tàn sát hàng loạt được tiến hành nhân danh lợi ích kinh tế, tôn giáo hoặc thói ngông của các nhà lãnh đạo. Những cá nhân thuần tuý ích kỷ hoặc khao khát quyền lực gửi những người khác đến lò mổ để chinh phục nhiều lãnh thổ hơn nữa, nhiều nguyên liệu, tiền bạc, nhân tình, nô lệ hoặc nhân công hơn nữa. Những cá nhân ấy biến những con người hiền hậu thành đám lính sát nhân, bị buộc phải giết những người không quen biết, những người mà có lẽ họ cũng sẽ cảm mến nếu gặp trong hoàn cảnh khác, biết đâu đấy, khi đi du lịch chẳng hạn.”
“Trong số các dân tộc có chữ viết và sử gia, thì dân tộc nào có sử gia thuật lại lịch sử theo lối cảm động nhất thì sẽ giành vĩ trí ưu tiên trong ký ức tập thể.”
“Không phải vì nhiều người cùng tin vào một lời nói dối mà nó trở thành sự thật.”
“Chừng nào ta còn sống, chừng ấy mọi phiền toái đều chỉ là những biến cố trong dòng đời. Không có chúng, hẳn ta sẽ buồn chết mất.”
“Chẳng có gì nghiêm trọng cả, chừng nào ta còn sống thì chừng đó mọi việc vẫn ổn.”
“Mọi chuyện xảy đến với chúng ta đều vì lợi ích của chúng ta.”
“Pythagpras ghi lại rằng người Atlantis tin vào sự bất tử của tâm hồn. Với họ, sau khi chết, linh hồn sẽ hoá thân vào những thân xác mới cho tới khi có thể tự giải phóng khỏi trải nghiệm xác thịt và lại một lần nữa tan vào năng lượng cơ bản nơi từ đó nó ra đời. Ông gọi hiện tượng này là ‘luân hồi’”.
“Vậy đấy, linh hồn hẳn như người tài xế đổi qua chiếc ô tô khác. Tâm trí thay đổi thân xác, từ kiếp này qua kiếp kia.
“Cảm xúc tiêu cực luôn giành phần thắng trước cảm xúc tích cực bởi giữa người muốn cho cậu ăn tát và người muốn cho cậu ăn bánh, cậu thường chú ý đến người muốn cho cậu ăn tát hơn. Bản tính con người là thế. Thậm chí là bản năng.”
–
Có thể nói, đây là một quyển tiểu thuyết hay ho dành cho những ai hứng thú với chủ đề lịch sử, thôi miên hồi quy và nền văn minh Atlantis huyền thoại. Sự pha trộn giữa khoa học viễn tưởng, triết học và tâm linh giúp tác phẩm không chỉ lôi cuốn mà còn vô cùng sâu sắc.
CHIẾC HỘP PANDORA | BERNARO WERBER

Chưa có bình luận