Lần đầu tiên mình nghe đến quyển sách này là khi còn bé xíu. Mẹ kể về nó với sự hào hứng hiếm thấy. Ngày xưa, mẹ cũng một thời mê mẫn các thể loại tiểu thuyết, trong đó có cả kiếm hiệp, ngôn tình lẫn khoa học viễn tưởng.
Lần thứ hai mình gặp lại tác phẩm này là khi xem bộ phim cùng tên, cũng là khi còn bé xíu. Thứ duy nhất mình còn nhớ là hình ảnh những ngôi mộ nằm im lìm dưới đáy biển trong không khí có phần ma mị.
Mình biết mẹ thích các thể loại này nên cố tình lượm vài cuốn của tác giả về. Mẹ đã rất vui, dù không có mấy thời gian rảnh rỗi để đọc.
Tác phẩm kể về chuyến phiêu lưu của Giáo sư Pierre Aronnax, nhà sinh học biển người Pháp cùng hai người bạn trên con tàu ngầm Nautilus của thuyền trưởng Nemo. Cả thế giới lúc ấy cứ ngỡ chiếc tàu này là một con quái vật khổng lồ. Một nhóm người, trong đó có giáo sư Aronmax cùng hai người bạn, được điều đi tìm và tiêu diệt nó. Họ vô tình lọt vào con tàu ngầm này và bắt đầu hành trình hai vạn dặm khám phá đại dương mênh mông với vô vàn điều lý thú. Chỗ này có phần hơi ảo, 3 ông rơi xuống biển mấy chục tiếng đồng hồ mà không chết, sau đó lại vô tình bám được vào nhau, rồi bám được chiếc tàu ngầm giữa mênh mông sóng nước như dị (biển, mà còn ban đêm nữa, chứ không phải cái hồ bơi mấy chục mét vuông @.@).
Đọc sách của Jules Verne (nói cho sang chứ tính tới thời điểm này mình đọc mới có một quyển :D), ta có cảm giác ông có một nền tảng kiến thức khoa học công nghệ rất đáng nể. Ông cũng nổi tiếng là tác giả tiên phong sáng tác những bộ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng hấp dẫn với các công nghệ mới mà thời của ông chưa có, trong đó tàu ngầm Nautilus là một ví dụ.
Đến cuối sách, thân thế và câu chuyện của thuyền trưởng Nemo cũng như số phận của con tàu Nautilus vẫn chưa được hé lộ, hứa hẹn một chuyến phiêu lưu tiếp theo về nhân vật bí ẩn này, trong quyển Hòn đảo bí mật mà mình dự định sẽ mua tiếp.
Truyện cũng hay, có điều mấy chỗ kiến thức về địa lý mình cũng chỉ lướt lướt, chỉ vài lần quởn quởn mở Google map lên tìm xem mấy hỏn đảo được nhắc đến trong truyện có trên bản đồ hay không (cái có cái không). Cũng vậy, mấy chỗ ghi số đo hải lý bằng chữ mình cũng chịu thua, chỉ lướt lướt, ví dụ như “hai trăm ba mươi ngàn tám trăm năm mươi tư hải lý”, sao không ghi số mà làm một nùi dài như vậy, đọc nhức đầu quá đi :(((
Chưa có bình luận