Tuy không phải là nhân vật chính nhưng T-Bag là thành tố quan trọng tạo nên sức hút của seri phim Prison Break (Vượt Ngục) làm mưa làm gió từ khi ra mắt phần 1 vào năm 2005. Từng ánh mắt sắc lạnh, cái nhếch mép đáng sợ, điệu bộ hành động quái dị và cả âm giọng đặc biệt của tên tù nhân này đều khiến khán giả rùng mình. Hắn như con rắn độc nham hiểm với mưu tính cực kỳ thông minh và sự tàn ác mang màu sắc biến thái ghê rợn. Mỗi khi máy quay lia đến hắn là tất cả người xem đều có chung một nỗi sợ rằng sắp có án mạng xảy ra.
Nhưng rồi bạn sẽ bất ngờ khi nhận ra chất “người” vẫn còn sót lại trong hắn. Hóa ra sự độc ác và biến thái này phần lớn đến từ tuổi thơ đầy bất hạnh và đau khổ. Ẩn sâu bên trong hắn là khao khát được yêu thương, được làm người lương thiện, được “quay đầu làm bờ”. Nói đến đây mình liên tưởng ngay đến nhân vật Chí Phèo mà chắc hẳn người Việt Nam nào cũng biết.
Nếu động lực quay đầu của Chí Phèo là Thị Nở thì động lực của T-Bag là Susan, một người mẹ đơn thân với 2 đứa con nhỏ. Khi gặp và yêu Susan, T-Bag ao ước quay về làm người lương thiện với một mái ấm có vợ và những đứa con. Hắn khao khát được yêu thương và chăm sóc vợ con như mọi người đàn ông bình thường khác. Tình tiết T-Bag quỳ xuống vai nài người phụ nữ hắn hết mực thương yêu cho một cơ hội được làm chồng của cô, được làm cha những đứa con của cô khiến người xem thương cảm. Dù hắn từng phạm nhiều tội ác man rợ, nhưng vào giây phút đó mình chỉ hy vọng người phụ nữ ấy mở cửa đón hắn quay về.
Kết quả là Susan vẫn từ chối hắn. Chiếc phao cuối cùng và duy nhất có khả năng cứu vớt cuộc đời hắn đã vĩnh viễn biến mất. Hy vọng và khao khát được yêu thương đã tắt hoàn toàn từ giây phút Susan nói “Sorry I can’t” trong nước mắt. Hắn giam ba mẹ con lại và ngồi một mình với cuộc chiến nội tâm ghê gớm. Ai cũng đinh ninh hắn sẽ giết cả 3 mẹ con Susan nhưng không, cuối cùng T-Bag quyết định gọi cho cảnh sát đón họ về, còn hắn thì ngồi khóc rưng rức bên bìa rừng.
Mình tự hỏi nếu Susan cho hắn một cơ hội thì không biết T-Bag của phần sau bộ phim sẽ như thế nào. Trở thành người chồng người cha đầy yêu thương và sống hạnh phúc đến cuối đời hay một ngày nào đó hắn vẫn tiếp tục gây tội ác? Mình không biết. Mình chỉ thấy xót xa cho T-Bag.
Trên hành trình đi đến mục tiêu của mình, T-Bag sẵn sàng giết bất cứ ai ngáng đường hắn, theo cách man rợ nhất. Susan và 2 đứa con của cô là những người may mắn nhất vì không trở thành nạn nhân của hắn. Dù bị từ chối phũ phàng, nhưng T-Bag không giết mà ngược lại còn thả họ đi. Có lẽ Susan là người phụ nữ duy nhất hắn yêu nhiều đến thế. Ngay cả khi bị từ chối, T-Bag vẫn không ngừng yêu cô. Hắn thuê gái làng chơi đóng giả Susan để tự huyễn hoặc chính mình rằng cô ấy vẫn còn bên cạnh hắn. Không chỉ thế, T-Bag còn giết ả gái làng chơi không thương tiếc chỉ vì ả lỡ miệng gọi Susan là gái điếm.
Chí Phèo, Joker hay T-Bag đều là những kẻ đáng thương. Và cuộc đấu tranh nội tâm giữa cái thiện và cái ác bên trong họ quả là một cuộc chiến dữ dội. Bên ác đã chiến thắng để ta có những tên ác nhân quái dị nhất trên màn ảnh.
Nếu rơi vào tình cảnh trớ trêu như họ thì bao nhiêu người sẽ giữ được thiện tâm? Đối với mình, những người chiến thắng trong hoàn cảnh ấy chính là những anh hùng.
2 Bình luận
Thích nhất nhân vật này, luôn tạo công ăn việc làm cho partner lẫn kẻ thù! Mà sống dai cực!
Thi Thảnh Thơi :)))
Diễn viên diễn đỉnh quá há anh. Nhìn nhân vật này em sợ thật sự 😀