Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhuỵ vàng
Nhuỵ vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
Người Việt Nam không ai mà không biết đến 4 câu thơ trên. Trong đó sen luôn được mặc định mang thân phận kiêu sa, đại diện cho sự lương thiện tốt đẹp mỹ miều; còn bùn luôn phải đóng vai phản diện. Đại ý của bài thơ nói rằng sen không chỉ đẹp tinh khiết mà còn biết vươn mình lên khỏi đám bùn lầy nhơ nhớp để bảo toàn bản chất thánh thiện tuyệt vời của mình mà không bị ngoại cảnh tác động. Sen sống chung với bùn mà không bị lây xíu tính xấu nào của bùn.
Thế nhưng có ai từng nghĩ: Không bùn thì liệu sen có sống nổi hay không?
Hãy thử nhìn ở một góc độ khác: Bùn tuy hôi tuy đen không ai thích nhưng bùn chứa đầy dưỡng chất cần thiết cho sen. Bùn không chỉ kham nhẫn chịu thiệt thòi nằm ở vị trí thấp kém để nâng sen lên, chăm sóc nuôi dưỡng sen mà còn chịu điều tiếng không hay. Nếu không có bùn thì liệu sen chỉ cần hít khí trời thôi mà vẫn lung linh toả hương ngào ngạt? Thật bất công cho bùn!
Xét ở một phương diện khác, sen không chỉ được tạo thành từ bùn mà còn từ rất nhiều thứ khác như không khí, ánh sáng, dòng nước,… Vậy mà mọi người chỉ ngắm nhìn nhan sắc của sen chứ không màng đến sự tồn tại của những điều kiện cùng tập hợp lại, hiệp sức lại để tạo nên sen.
Nếu ta tạm không tính đến các yếu tố khác mà chỉ bàn về mối quan hệ 2 hai bên là sen và bùn thôi, thì theo một nghĩa nào đó, sen và bùn cũng là một. Bùn nuôi dưỡng sen lớn lên, sinh trưởng. Sen khi chết lại hoá thành bùn. Vòng tuần hoàn này cứ tiếp diễn liên tục. Sen là bùn, và bùn cũng là sen. Tuy hai mà một, tuy một mà hai.
Không chỉ có SEN và BÙN, chúng ta còn có nhiều cặp đối lập như ĐEN và TRẮNG, TỐI và SÁNG, XẤU và TỐT, ÁC và THIỆN, ĐAU KHỔ và HẠNH PHÚC,…
Nếu không có bóng tối liệu ta có nhận thức được ánh sáng?
Nếu không tồn tại cái xấu cái ác thì ta có trân trọng cái tốt cái thiện?
Nếu không trải qua đau khổ liệu ta có biết thế nào là hạnh phúc?
Tất cả những điều trên giống như hai mặt của một đồng tiền, ta không thể phủ nhận hay chối bỏ bên nào. Đó là chưa kể rằng hai mặt đối lập ấy thường không có sự phân định rạch ròi, như không có ai tốt hoàn toàn cũng không có ai xấu mọi mặt. Tất cả chúng ta đều có cả chất thiện và chất ác bên trong, được hoà làm một với những tỉ lệ khác nhau.
Hiểu tính không của vạn vật. Loại bỏ tâm phân biệt. Nhìn ra được bản chất của sự vật sự việc sẽ giúp ta xoá nhoà các ranh giới để tìm về ngọn nguồn chân thật của chính mình.
—
Bài viết lấy cảm hứng từ một phần bài giảng của Sư Minh Niệm.
Chưa có bình luận