Một quyển tiểu thuyết thật kỳ lạ. Tôi thật sự không biết dùng tính từ nào để miêu tả chính xác những gì mà tôi cảm nhận về nó. Đầu tiên là khó hiểu, lạ lẫm, bị cuốn hút, căm phẫn, hồi hộp, hụt hãng, thất vọng, vỡ òa… trộn lẫn vào qua qua từng tình tiết câu chuyện. Tác phẩm này có quá nhiều điều để mà bàn luận nên trong giới hạn một bài review ngắn tôi không thể nào nói hết. Có lẽ nắm tay nhau ra quán trà sữa ngồi đàm đạo cả ngày cũng chưa hết.
Đầu tiên là tác giả mạnh mẽ phê phán triết lý sống vị nhân sinh, hay nói cách khác là hy sinh vì người khác. Mới nghe qua có vẻ… sai sai. Bản thân tôi khi đọc những đoạn đầu tiên của câu chuyện cũng thấy khó tán đồng với quan điểm của tác giả, mà ở đây là thông qua nhân vật Roak Howard. Tôi từng tự hỏi, “Tại sao quá cực đoan như vậy?”. Và tôi ước rằng mình có chút kiến thức về kiến trúc để có thể cảm nhận, đánh giá, gọi theo cách nào cũng được, để một chút hiểu ra vì sao anh ấy sống, cư xử và hành động như thế. Tại sao anh quá bước bỉnh, cứng đầu đến mức cực đoan một mình chống lại cả thế giới mà không hề run sợ, dù là một chút. Tôi không thể hiểu. Tôi đã cố gắng tra google về những từ ngữ chuyên ngành kiến trúc, về những cái tên của các công trình xây dựng được đề cập trong truyện để cố gắng hình dung, dù chỉ một chút, về lý do đằng sau những gì Roak đang làm, để xem ai đúng ai sai. Thế quái nào chẳng lẽ cuốn tiểu thuyết này không dành cho những kẻ… ngoại đạo như tôi?
Nhưng rồi, càng đọc tôi càng nhận ra rằng không cần những kiến thức ấy, tôi vẫn có thể hiểu được Roak, hiểu được sự dũng cảm vĩ đại của anh ấy, hiểu được động cơ, tình yêu, sự tranh đấu của anh ấy. Đối với tôi, quyển sách này xứng đáng được gọi là “Thánh Kinh của dân kiến trúc”. Và thật là một thiếu sót lớn khi bạn là một sinh viên ngành kiến trúc mà chưa từng đọc qua tác phẩm vĩ đại này. Tất nhiên nó không chỉ dành riêng cho kiến trúc, mà có thể đại diện cho tất cả những con người, dù hoạt động trong ngành nào, để soi lại chính bản thân mình, để thấy mình cần cam đảm nhiều hơn nữa trên hành trình sống trọn cuộc đời này.
Toàn bộ câu chuyện vô cùng gay cấn, hấp dẫn khiến người đọc tuôn trào từng dòng cảm xúc như dòng thác đổ; dù đôi lúc người đọc phải căng não lên mà cảm cảm thụ cho hết từng cung bậc cảm xúc của nhân vật. Điều này là nhờ khả năng miêu tả diễn biến tâm lý của tác giả quá xuất sắc đến mức tôi cho rằng từ xuất sắc cũng không đủ để diễn tả. Bà đã mang người đọc đi đến từng ngóc ngách nhỏ như thể bà (và cả người đọc) đang có mặt ngay tại đó, vào thời điểm đó, để quan sát và cảm nhận từng chi tiết nhỏ nhất mà không bỏ sót bất cứ thứ gì. Mọi diễn biến tâm lý, suy nghĩ, cảm xúc được đặc tả vô cùng cụ thể, chính xác và tinh tế đôi khi thông qua việc ghi lại những thay đổi của khung cảnh, tư thế, vóc dáng nhân vật.
Trong truyện có không ít những tình tiết xúc động nhưng không hiểu sao tình tiết duy nhất khiến tôi rưng rưng nước mắt là đoạn ông Guy Francon đón cô con gái yêu trở về. Một đời ông và Dominique, cô con gái duy nhất của mình, luôn đối nghịch lẫn nhau. Dường như mối quan hệ của hai cha con không có gì khác ngoài tranh cãi, đối đầu, chiến tranh… nhưng cuối cùng thì ông cũng đã hiểu ra, ngay vào thời khắc con gái ông gần như bị nhấn chìm trong cơn lũ dữ. Lúc này tất cả những gì còn lại chỉ là tình thương, của một người cha dành cho cô con gái nhỏ, là tình thương của cô con gái dành cho cha mình. Tình cảm gia đình, tình phụ tử ruột thịt cuối cùng cũng chiến thắng, không phải trong niềm hạnh phúc trào dâng, mà là trong đau đớn tột cùng. Giờ đây, trong mắt ông không còn hình ảnh cô gái trái tính trái nết, mà chỉ là một đứa con bé bỏng của mình. Tôi đã thật sự xúc động mà rơm rớm nước mắt khi đọc đến đoạn này. Phải chăng nó đã chạm vào nỗi đau thầm kín, dù vết thương ấy đã liền da, vì tôi cũng từng có khá nhiều vấn đề với cha của mình. Kkhông còn tranh cãi, không còn dằn vặt nhau, mà nổi đau đã gắn kết lại mọi thứ như một chất keo kỳ diệu. Tất cả đã qua đi chỉ còn tình thương ở lại. Hạnh phúc òa trong đau đớn.
À còn một chi tiết mà tôi rất thích. Miêu tả nó thế nào nhỉ? Khi chúng ta đứng trước biển cả mênh mông, hay đồi núi trùng trùng điệp điệp, hay vũ trụ không giới hạn với hàng tỉ tỉ những hành tinh, ta thường có cảm giác gì? Theo lẽ thường thì sẽ là cảm giác mình nhỏ bé trước sự bao laa của vũ trụ, trước bàn tay diệu kỳ của tạo hóa, trước sự to lớn vĩ đại của vạn vật, và thậm chí là cả cảm giác bất lực trước cảnh quan hùng vĩ trước mắt. Tuy nhiên trong tiểu thuyết này, tác giả đã gọi tên một cảm giác hoàn toàn trái ngược: Đó là sự đối nghịch giữa vóc dáng nhỏ bé của con người và hình ảnh bao la hùng vĩ của thiên nhiên càng khắc họa sự vĩ đại của con người. Con người, nếu so về tầm vóc, thì quá nhỏ bé, còn so về sức mạnh thể chất, thì quá yếu ớt trước mẹ Thiên Nhiên, trước vũ trụ. Nhưng bộ não nhỏ bé kia có thể tạo ra những tòa nhà chọc trời, những tàu ngầm có khả năng lặn sâu hàng vạn dặm, có thể xây được những tàu vũ trụ con thoi bay lên mặt trăng, và tạo ra hàng triệu hàng tỉ những thaành tựu mà không một con vật nào khác có thể làm được. Thật là một ý tưởng vô cùng thú vị. Vậy là tôi tự nhủ, lần tới đứng trước biển rộng trời cao tôi sẽ không cảm thấy mình nhỏ bé hay cô đơn nữa, mà ngược lại tôi cảm thấy mình mạnh mẽ, can trường hơn.
Phút giây tôi nghe phán quyết “Vô tội” của tòa dành cho Roark, tôi đã muốn nhảy cẫng lên sung sướng và hạnh phúc. Cuối cùng thì, dù thế giới này có tệ lậu đến đâu, dù con người có u mê đến đâu, dù những người như Roark có hiếm hoi đến đâu thì sau rốt, chân lý cũng sẽ thắng. Chiến thắng này mang lại hy vọng cho độc giả, những người từng, dường như, đôi lúc, lê bước qua từng trang sách với tia sáng nhỏ nhoi rằng Roark sẽ chiến thắng thế giới. Đó không chỉ là sự chiến thắng đơn thuần của chân lý, mà còn là sự chiến thắng của hy vọng vào con người, vào thế giới này.
Đức Phật từng nói rằng, con người, dù có u mê đến mấy thì thẳm sâu bên trong mỗi người đều có hạt giống của sự giác ngộ, mà chỉ cần chờ dòng nước tươi mát, sẽ sớm lại nảy mầm…
Bạn có thể mua Tiểu thuyết Suối Nguồn (The Fountainhead) – Ayn Rand tại nút bên dưới.
Chưa có bình luận