Trong một chuyến đi trekking, mình thấy sếp cầm chiếc điện thoại cục gạch nhỏ xíu, kiểu Nokia 1280 có vẻ đến từ thời… cổ đại. Lúc đó mình hơi ngạc nhiên nhưng nghĩ, “chắc là dân thể thao hay xài như vậy để tiện nhét đâu đó trong người khi luyện tập”.
Nhưng không, lần tiếp theo gặp ở một bối cảnh khác, mình vẫn thấy ảnh cầm cái “cục gạch” đó. Sau này mình mới biết đó là cách ảnh bảo vệ bản thân khỏi “cơn bão công nghệ” – thứ đang bào mòn, phá vỡ, huỷ hoại sự tập trung của chúng ta.
Ngày nay người ta không thể sống thiếu smartphone và Internet. Người thì không ngại chi tiền hàng tháng để xài 4G cho thoải mái, kẻ thì đi tới đâu cũng xin pass wifi. Có vẻ với hầu hết chúng ta, Internet còn quan trọng hơn cả oxy. Mỗi ngày chúng ta đều vô thức cầm điện thoại lên lướt. Rảnh tay, lướt. Thấy mệt, lướt. Thấy chán, lướt. Không muốn giao tiếp, lướt. Cảm thấy bối rối, cũng lướt.
Mình cũng nhận thấy sự tập trung của bản thân bị giảm sút trầm trọng. Đôi khi có mấy trang sách mà mình đọc đi đọc lại tới mấy lần. Không phải vì muốn suy ngẫm sâu hơn về nội dung mà do mình bị mất tập trung. Đọc một lượt rồi đầu óc lơ đãng đi đâu, xong tự hỏi “ủa nãy giờ mình đọc cái gì vậy”. Thế là phải đọc lại.
Đó là lý do mình mua quyển sách này, để tìm hiểu xem có cách gì lấy lại sự tập trung không, ngoài cách siết lại kỷ luật của bản thân. Chỉ mới lướt qua vài trang đầu mình đã thấy thích. Bên dưới là một số đoạn trích trong sách:
“Suốt nhiều năm, mỗi khi không thể tập trung, tôi đều trút giận lên bản thân. Tôi thường nói: ‘Mày lười biếng, mày vô kỷ luật, mày cần phải xốc lại bản thân’. Hoặc tôi sẽ đổ lỗi cho chiếc điện thoại và tức giận với nó, rồi ước gì người ta chưa từng phát minh ra nó.”
“Ngày nay, mỗi khi bạn đặt điện thoại xuống, có cả ngàn kỹ sư đằng sau màn hình sẽ tìm cách khiến bạn cầm điện thoại lên… Đa số chúng ta đều nghĩ rằng việc mình không thể tập trung là vấn đề của cá nhân trong việc kiểm soát bản thân khi dùng các thiết bị công nghệ. Trên thực tế, sự tập trung của chúng ta đã bị các thế lực mạnh mẽ bên ngoài đánh cắp. Có 12 nguyên nhân sâu xa tạo nên cuộc khủng hoảng này và tác giả Johann Hari sẽ giúp chúng ta lấy lại sự tập trung đã mất của mình.”
“Cảm giác như nền văn minh của chúng ta bị phủ một lớp bột ngứa, và chúng ta cứ liên tục cựa quậy, không thể chú ý đến những điều có ý nghĩa.”
“Ở mức độ cá nhân, một cuộc sống đầy những thứ gây phân tâm là một cuộc sống bị rút ngắn. Khi không thể tập trung chú ý trong thời gian dài, bạn không thể đạt được những điều mình muốn.”
“Khi khả năng chú ý bị phá vỡ, khả năng giải quyết vấn đề cũng bị phá vỡ.”
“Một thế giới đầy rẫy những công dân lơ đãng lướt từ Twitter nến Snapchat (còn ở Việt Nam thì lướt từ Facebook đến TikTok ) sẽ là một thế giới khủng hoảng chồng chất, trong đó chúng ta không thể xử lý được bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.”
STOLEN FOCUS – KIỂM SOÁT SỰ TẬP TRUNG GIỮA CƠN BÃO CÔNG NGHỆ | JOHANN HARI

Chưa có bình luận