“Trên đỉnh đèo cao. Gió lộng. Biển trải dưới chân đèo, xa mênh mang. Mọi người ngồi nghỉ chân, phanh ngực đón gió lành.
Bé Côn trầm trồ nhìn ra phía chân trời xa:
– Cha ơi cha! Cái ao… Cái ao lớn quá!
Anh Sắc cười, bảo:
– Biển đó con ơi.
Khiêm cũng nhìn theo hướng nhìn của em và quên cả bỏng rát trên hai chân, la to:
– Ồ… biển! Biển!
Côn lại chỉ trỏ:
– Ồ! Bò… con bò to lội trên biển!
Anh Sắc cười. Chị Sắc càng không nén được tức cười về cái nhìn ngộ nghĩnh của con. Anh Sắc giải thích:
– Không phải bò đâu, con ơi! Thuyền đó. Thuyền chạy bằng buồm theo chiều gió… con nhớ chưa?
Côn lại nhảy tâng tâng:
Biển là ao lớn
Thuyền là con bò
Thuyền ăn gió to
Lội trên mặt nước
Em nhìn thấy trước
Anh trông thấy sau
Ta lớn mau mau
Vượt qua ao lớn.”
•••
Bên trên là trích từ quyển tiểu thuyết Búp sen xanh, đoạn anh Sắc (cụ Nguyễn Sinh Sắc) dẫn vợ (chị Sắt, nghĩa là cụ Hoàng Thị Loan) và hai con là bé Khiêm (Nguyễn Sinh Khiêm), bé Côn (Nguyễn Sinh Cung) vô kinh chuẩn bị cho kỳ thi Hội sắp đến.
Tác phẩm này viết về thơ ấu của Bác Hồ, từ lúc là cậu bé Côn bé bỏng cho tới ngày chàng trai Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.
Đã gọi là “tiểu thuyết” thì có mấy phần hư cấu?
Mình không biết. Có điều, tác phẩm này được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ghi lời tựa. Trong đó ông có viết “Ở đây tiểu thuyết và lịch sử có thể gặp nhau không?… lời nói có trọng lượng rất lớn thuộc về người đọc, nghĩa là nhân dân.” Vậy nên mình đoán tác giả đã nghiên cứu sử rất kỹ, và nội dung cũng đã được thông qua.
Có thể nói, đọc tiểu thuyết và xem phim là hai cách học sử rất hữu hiệu, giúp người đọc/người xem nhớ những chi tiết sử dễ dàng. Nhưng mình nghĩ kết nối cảm xúc với người xưa là thứ quan trọng hơn. Qua từng câu chữ, hình ảnh làng quê xứ Nghệ những năm đầu thế kỷ 20 hiện lên sống động và gần gũi. Đôi lúc mình còn có cảm giác dường như ở một kiếp sống nào đó mình đã từng ở đây…
Chưa có bình luận